Tin Việt Nam (BBC)

Tin Việt Nam (RFA)

Friday 29 February 2008

Tình nghĩa Chu Văn An

Thursday, February 28, 2008
Nguyên Huy/ Người Việt


Những người học trò cũ Chu Văn An tay bắt mặt mừng trong cuộc hội ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Chu Văn An là tên một ngôi trường trung học lớn ở Việt Nam trước năm 1975, mà bất cứ một học sinh nào từng được học qua, dù chỉ một niên khóa, cũng khó thể nào mà quên và cũng khó thể không nhắc lại với một chút kiêu hãnh khi nói về “tiểu sử” của mình cũng đã từng mài đũng quần trên ghế của nhà trường đó.Nên hàng năm, từ mấy chục năm nay, Hội Ái Hữu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An lại có những cuộc họp mặt mà lần họp mặt nào cũng không dưới dăm ba trăm người đến tham dự. Nếu như là một đại hội toàn thế giới thì số người tham dự có khi đến cả trên ngàn người từ khắp nơi đổ về.

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An không phải là một hội đoàn cựu quân nhân thuộc bất cứ một quân binh chủng nào, cũng không là một hội ái hữu đồng hương có cùng một miền đất chung “chôn nhau cắt rốn”. Lại càng không phải là của một tổ chức chính trị hay một phe nhóm nào. Thế thì chất keo nào đã kết dính được anh em cựu học sinh Chu Văn An đến như vậy?

Ngẫm lại thì thấy, ngôi trường Chu Văn An từ Bắc trước năm 1954 cho đến sau đó ở trong Nam, đã có một lịch sử về sự đấu tranh và lòng yêu nước. Trường Bưởi hậu thân của trung học Lycée du Protecterat do thực dân Pháp dựng nên để đào tạo ra tầng lớp điều hành (leadership) nền cai trị của thực dân Pháp khi Pháp còn đô hộ Việt Nam. Nhưng vì được học hỏi về những danh nhân nước Pháp từng tranh đấu cho tự do công bình bác ái (Liberté, Fraternité et Légalité) của những tư tưởng gia Montesquieu, Jean Jacque Rosseau... và cuộc Cách Mạng Pháp 1789 nên những học sinh trường Bưởi đã nhiều lần đình công bãi khóa để phản đối chính quyền thực dân Pháp hay tranh đấu đòi hỏi tự do công bình cho người dân Việt. Ðến năm 1955, khi trường đổi vào trong nam thì học sinh Chu Văn An đã lại đứng lên phản đối Cộng Sản đã cùng thực dân Pháp chia cắt đất nước. Phái đoàn Cộng Sản do Tướng Văn Tiến Dũng cầm đầu núp sau Ủy Hội Quốc Tế đình chiến vào thăm Saigon đã phải leo lên trực thăng của ủy hội mà thoát chạy. Hai khách sạn Majestic và Galliénie Trần Hưng Ðạo chứa chấp phái đoàn Cộng Sản và ủy hội đã bị học sinh Chu Văn An đốt cháy.

Tinh thần Chu Văn An cũng trải dài qua những khóa học mà kết quả đã cống hiến cho miền Nam biết bao nhân tài, những cấp lãnh đạo chỉ huy nhiệt tình hữu ích cả trong hành chánh lẫn quân sự. Như Lê Văn Kim, tổng cục trưởng Tổng Cục Tiếp Tế, Nguyễn Huy Hân tổng trưởng tài chánh thời Ðệ II Cộng Hòa, Nguyễn Mạnh Hùng giáo sư Ðại Học Hoa Kỳ, Duy Trác danh ca miền Nam, Nguyễn Tiến Giám Ðốc nguyên tử lực cuộc ở Ðà Lạt, Nguyễn Ðộ, Giám Ðốc điện lực Saigon v.v... Ra đến hải ngoại, Chu Văn An vẫn là “ngọn cờ đầu” bước vào dòng sinh hoạt chính Hoa Kỳ như Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm, Luật Sư Charles Mạnh v.v...

Tinh thần Chu Văn An cũng ẩn hiện rõ nét trong tính tình của người học trò Chu Văn An. Ðó là lòng cương trực, “uy vũ bất năng khuất” được thừa hưởng từ vị Ðại Thần Chu Văn An dám dâng sớ “Thất Trảm” trừ bọn gian thần buôn dân bán nước để giữ vững kỷ cương dù biết bọn gian thần ấy đang được lòng nhà vua và đang lũng đoạn triều chính. Tinh thần ấy đã khiến người học sinh CVA khi ra làm việc trong hành chánh cũng như trong quân đội, đã là những công chức cán bộ hay người lính trung trực, giữ được phẩm giá của giới sĩ phu Việt Nam.

Vào trưa hôm Chủ Nhật 23 Tháng Hai vừa qua, tại nhà hàng Paracel Seafood, anh em cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An lại có cuộc họp mặt mừng Xuân mới. Trong dịp này, tân Hội Trưởng Nguyễn Mạnh Hiền B sau khi gửi lời chào mừng đến các giáo sư hiện diện, đã nêu ra 7 chương trình mà tân ban chấp hành phải thực hiện cho bằng được. Ðó là, một, nâng cao gìn giữ tinh thần CVA; hai, cập nhật danh sách thầy cô và tin tức cùng hiện trạng của các vị; ba, thiết lập giải Khuyến Học cho con em; bốn, thành lập chương trình hậu sự cho đồng môn; sáu, tổ chức các cuộc họp mặt, hội ngộ để tạo cơ hội cho nhau nối kết tình thầy trò, đồng môn đồng khóa; bẩy, phát hành Ðặc San Bưởi-Chu Văn An.Năm nay hội cũng ra mắt trong dịp này Ðặc San CVA với chủ đề là “Mùa Xuân Nhớ Thầy, Nhớ Bạn”. Nội dung đặc san năm nay khá phong phú và có hồn dân tộc với những tranh gà, lợn, chuột vinh quy, ngày xuân hái dừa, bịt mắt bắt dê...

Có tham dự những cuộc họp mặt của anh em cựu học sinh CVA, mới thấy là quả có một cái tình nghĩa xin được gọi là “Tình Nghĩa CVA”. Tình nghĩa ấy đã làm cho những cựu học sinh CVA, dù sau này đã là ông nọ bà kia, nhưng vẫn muốn nhắc mình là một CVA. (N.H.)