Tin Việt Nam (BBC)

Tin Việt Nam (RFA)

Wednesday 21 January 2009

Chúc Xuân

Thursday 30 October 2008

Tập Luyện Chống Đau Lưng - Đoàn Phan Trí

Đây là phương pháp bí truyền có tên là "Cửu Thế Tống Hoả Khí " của họ Đoàn. Hoả khí dồn ở bụng (trung thân) khi đầy quá sẽ đè nén vào xương sống tạo nên bệnh đau lưng. Tập luyện chín thế tống hoả khí này sẽ giúp bạn chống lại chứng đau lưng.


1. Thần Công Hoả Khí Thượng Tống Thế: Thế này giúp ta giữ thăng bằng, vì khi hoả khí được tống ra phía sau (như khẩu thần công hay đại bác nhả đạn), thì theo nguyên lý phản lực, người sẽ bị ngã chúi về phía trước. Phải năng tập luyện cho đến khi dẫu hoả khí có tống thật mạnh về phía sau mà vẫn giữ được thăng bằng thì mới được xem là có nội công thâm hậu.

2. Tống Hoả Khí - Hữu Toạ Thế: Tập thế này để khi ngồi chơi với bạn bè, hoặc giữa đám đông vẫn có thể tống hoả khí mà không tạo ra tiếng động, còn gọi là "Vô Thanh Tống Hoả Khí". Thế này dùng khi có người ngồi bên trái (tả) thì nên tống hoả khí về bên phải (hữu).

3. Tống Hoả Khí - Tả Toạ Thế: Giống như thế thứ 2 ở trên, nhưng hoả khí sẽ được tống về bên trái (tả).

4. Tống Hoả Khí - Hữu Ngoạ Thế: Thế này dùng trên giường ngủ, hoả khí được tống ra ngược bên có vợ đang nằm, để tránh làm phiền vợ đang cần sự yên tịnh nghỉ ngơi.

5. Tống Hoả Khí - Tả Ngoạ Thế: Tương tự như thế 4 ở trên.

6. Địa Chấn Tống Hoả Khí Thế: Thế này dùng để kiểm chứng xem lực tống hoả khí còn mạnh mẽ hay không, bằng cách dùng địa chấn kế (Richter magnitude scale) để đo độ rung của đất khi hoả khí được tống khứ ra ngoài.

7. Thiên Chấn Tống Hoả Khí Thế: Thế này ngược với thế 6 ở trên, dùng để so sánh với độ vũ bão của giông tố từ 1 đến 5 (Saffir-Simpson Hurricane Scale: category 1-5).

8. Dương Thiên, Địa Khí Tung Hoành Thế: Thế này dựa theo môn võ công thượng thừa của họ Đoàn là môn "Nhất Dương Chỉ". Trong bí kíp võ công của nhà họ Đoàn có ghi rằng:

"Nhất dương chỉ hướng thiên
Hoả lôi khí hướng địa
Thượng phóng thủy
Hạ phóng hoả
Thiên kinh, địa hoảng
Thiên hạ đệ nhất võ công"

9. Cúc Cung Tống Hoả Khí Thế: Thế này dùng khi ngồi Thiền hoặc toạ công dồn hoả khí xuống trung thân (phần bụng) khi đã đã đầy thì gập người, ép mạnh xuống bụng để tống hoả khí. Khi tập phải để ý xem có ai ngồi phía sau hay không.

Tuesday 22 July 2008

Nhung cai Nhat

Ý kiến của Nguyễn Ngọc Trân sau khi đã xem hình ảnh

Hội Ngộ 40 năm:

1-Nét có vẻ "già lẳng" là bác Khôi

2- Nét sáng chói là 3 bác: Hân –Chước –Thọ.

3- Nét vui nhộn là bác Phụng

4- Nét hí hửng là bác Nghị

5- Nét Casanova là bác Nhân

6- Nét bệ vệ là 2 bác Chính-Tư

7- Nét "đẹp trai" là bác Thông

Phạm Nguyên Khôi góp ý thêm:

- Bình luận, viết văn hay nhất là Nguyễn Đức Tuệ

- Làm thơ hay nhất là Bùi Phạm Thành

- Sáng tác nhạc hay nhất là Bùi Phạm Thành

- Giỏi toán nhất là Đỗ Đại Trí

- Có trí nhớ nhiều nhất là Trần Trung Chính

- Hát hay nhất là Bùi Phạm Thành

- Hát dở nhất là Phạm Nguyên Khôi

- Tươi vui nhất, cười nói rộn ràng nhất là Mậu Lúi

- Có con sớm nhất là Bùi Dương Ninh

- Có nhiều con, nhiều cháu nhất là Bùi Dương Ninh

- Trông trẻ nhất là Lê Thanh Bình

- Đạo mạo, nghiêm trang nhất là Nguyễn Lê Tiến & Nguyễn Mạnh Đạt

- Cao nhất là Khôi cò

- Hào hoa phong nhã nhất là Nguyễn Văn Nhân (đúng là dân KQ)

- Nặng ký nhất là Chính Mập

- Nhậu nhiều nhất là Mậu Lúi

- Ăn to, nói lớn nhất là Chính Mập

- Chân tình nhất: Tất cả mọi người

Đào Tiến Tư góp ý thêm:

- Gàn nhất là Thọ Gàn

- Đi lính sớm nhất là Đào Tiến Tư

Nguyễn Văn Nhân góp ý thêm:

- Người ít tóc nhất, giống như "ni-cô đi gội đầu dưới trăng": Một trong ba bác: Thọ, Chước và Hân.

- Hút thuốc lá (hittophe) nhiều nhất là Nguyễn Văn Nhân

- Nịnh vợ nhất là bác Khôi (điều này sai. Đúng ra là bác Nhân)

Trần Hữu Thọ góp ý thêm:

- Đái đường nhiều nhất là Lê Nguyên Thông

- Có nhiều xe đẹp nhất là Nguyễn Văn Nhân

- Tướng đi ngang tàng nhất là Vũ Nguyên Chước

- Đọc diễn văn cảm động nhất là Đoàn Phan Trí

- Cười vui vẻ nhất là Mậu Lúi

- Chửi thề nhiều nhất là Chính Mập

- Ăn mặc dân chơi nhất là Nguyễn Văn Nhân

- Hay trầm tư mặc tưởng nhất là Lê Đình Hân

- Lâu nhất là Trịnh Ngọc Hồng

- Lặn mất tiêu nhất là Bùi Phạm Thành

- Mang bùa trong người nhiều nhất là Nguyễn Văn Nhân

- Chính trị gia ù lì nhất là Huỳnh Sĩ Nghị

- Giống tài tử ciné nhất là Lê Nguyên Thông

- Không xã giao xã giếc gì cả, nhất là Nguyễn Đức Tuệ

- Xứng đôi nhất là bác Nghị và cô Hồng (không phải Trịnh Ngọc Hồng đâu nhé)

Friday 18 July 2008

Triệu Chứng Già

Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang

Xuốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ "Mời ông cứ ngồi"
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Xuốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
"Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào"
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, "chuyện ấy" ngày thêm chậm rì
Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi "Bác thế nào ? Khoẻ không ?"
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào

Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!

BPT (7/17/2008)

Monday 7 July 2008

CVA B2 40 Năm Hội Ngộ (Nguyễn Mạnh Đạt)

Picasa SlideshowPicasa Web AlbumsFullscreen


Nguyễn Mạnh Đạt Thực Hiện

CVA B2 40 Năm Hội Ngộ

Picasa SlideshowPicasa Web AlbumsFullscreen


Lê Đình Hân Thực Hiện

Tuesday 6 May 2008

Mini Họp Mặt Tại Nhà ĐT Tư

Thành - Tư - Nhân - Chước - Hân



Sunday 27 April 2008

CVA B2 40 Năm Hội Ngộ

Đây la` chương trình chính thức về ngày Hội Ngộ 40 năm của CVA B2 tại Nam Cali.
Chương trình gồm có 3 ngày:

  • Thứ Sáu (July 4) đón tiếp các bạn từ nơi xa đến (tàu bay, tàu thuỷ, ô tô, xe đò...).
    Dùng cơm tối tại nhà của bạn Lê Đình Hân do các phu nhân của CVA Quận Cam khoản đãi (bảo đảm ngon hơn nhà hàng 5 sao).

    Các bạn cần phương tiện đưa đón và tạm trú xin liên lạc với:

    1. Vũ Nguyên Chước (626) 215-5417
    2. Lê Đình Hân (714) 589-7833
    3. Nguyễn Văn Nhân (949) 291-5654
    4. Đào Tiến Tư (714) 757-2489

  • Thứ Bảy (July 5) ban ngày tự do đi du ngoạn. Chiều dùng tiệc tại nhà hàng La Veranda ở đường Westminster
    giá biểu là $50 một người, để tiện việc sắp xếp, xin gửi check về cho bạn:
    Lê Đình Hân
    10172 Johannah Avenue
    Garden Grove, CA. 92843


  • Sáng Chủ Nhật (July 6) họp nhau đi ăn sáng, uống cà-phê ở Bolsa
Các Bạn Sẽ Tham dự:
  1. Lê Thanh Bình (1)
  2. Trần Trung Chính (1)
  3. Vũ Nguyên Chước (2)
  4. Nguyễn Mạnh Đạt (2)
  5. Lê Đình Hân (2)
  6. Trịnh Ngọc Hồng (2)
  7. Vũ Quang Huân (2)
  8. Phạm nguyên Khôi (1)
  9. Huỳnh Sĩ Nghị (2)
  10. Nguyễn Văn Nhân (2)
  11. Bùi Dương Ninh (1)
  12. Nguyễn Mậu Phụng (2)
  13. Bùi Phạm Thành (2)
  14. Lê Nguyên Thông (1)
  15. Đào Tiến Tư (2)
  16. Nguyễn Văn Đô (2) - Bạn của Tuệ
  17. Nguyễn Việt Cường (2) - Bạn của Tuệ
  18. Nguyễn Đức Tuệ (2)
  19. Đỗ Đại Trí (2)
  20. Đoàn Phan Trí (1)
  21. Nguyễn Ngọc Trân (cáo lỗi, ngày giờ không thuận tiện)
  22. Nguyễn Nam Sơn (?)
  23. Nguyễn Lê Tiến (?)
  24. Trần Hữu Thọ (?)
  25. Vũ Mạnh Tuấn (?)
Tổng số người sẽ tham dự là 34, các bạn có dấu (?) thì chưa biết rõ. Nhờ quý bác tiếp tục phổ biến và cập nhật dùm.

Gặp Vũ Mạnh Tuấn Tại San Jose

Từ trái qua phải: Đỗ Đại Trí - Trần Trung Chính - Phạm Nguyên Khôi - Vũ Mạnh Tuấn - Nguyễn Lê Tiến

Từ trái qua phải: Nguyễn Lê Tiến - Đỗ Đại Trí - Trần Trung Chính - Phạm Nguyên Khôi - Vũ Mạnh Tuấn

Friday 11 April 2008

Chùa Xưa Ta Tu


Ngày xưa ta ở trên chùa
Bị cô yếm thắm bỏ bùa tương tư
Phải chăng ta vụng đường tu
Để cho yếm lụa gió lùa nhẹ rơi
Trang kinh giòng chữ rối bời
Cái dùi gõ mõ bỗng rơi xuống sàn
Đôi tay sen búp dịu dàng
Đào thơm đôi quả dâng ngang cúng dường
Thoảng nghe thơm ngát mùi hương
Dẫu chưa đắc đạo thiên đường là đây
Gối quỳ phủ phục đôi tay
Trăm lần đảnh lễ thân này hữu thân
Thôi ta trở lại hồng trần
Quyển kinh, chuông, mõ, nâu sòng để đây
Thảo câu "Xưa ở chùa này
Theo cô yếm thắm từ nay tu nhà"
Khắc lên trên cột chánh tòa
Để cho bá tánh hiểu ra sự tình
Trăm năm một cõi ba sinh
Cột chùa dòng chữ ân tình còn đây
BPT (11/4/2008)

Thursday 27 March 2008

Huntington Garden - Ảnh của Nguyễn Mạnh Đạt

English Garden

English Garden

Chinese Garden

Chinese Garden

Desert Garden

Japanese Garden

Bonsai

Bonsai

Friday 14 March 2008

Tình, Tiền



Tình chỉ đẹp khi còn tiền trong túi
Tình bay đi khi trong túi hết tiền
Hỏi ông trời tình là cái chi chi
Ông trời nói thử rồi thì biết
Mình đi thử không bỏ tiền trong túi
Tình hỏi mình có check không anh
Mình bảo rằng em có lấy cạc không
Tình từ chối vì tình không thích cạc.

Nguyễn Mậu Phụng (tự Mậu Lúi)

Monday 3 March 2008

Friday 29 February 2008

Tình nghĩa Chu Văn An

Thursday, February 28, 2008
Nguyên Huy/ Người Việt


Những người học trò cũ Chu Văn An tay bắt mặt mừng trong cuộc hội ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Chu Văn An là tên một ngôi trường trung học lớn ở Việt Nam trước năm 1975, mà bất cứ một học sinh nào từng được học qua, dù chỉ một niên khóa, cũng khó thể nào mà quên và cũng khó thể không nhắc lại với một chút kiêu hãnh khi nói về “tiểu sử” của mình cũng đã từng mài đũng quần trên ghế của nhà trường đó.Nên hàng năm, từ mấy chục năm nay, Hội Ái Hữu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An lại có những cuộc họp mặt mà lần họp mặt nào cũng không dưới dăm ba trăm người đến tham dự. Nếu như là một đại hội toàn thế giới thì số người tham dự có khi đến cả trên ngàn người từ khắp nơi đổ về.

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An không phải là một hội đoàn cựu quân nhân thuộc bất cứ một quân binh chủng nào, cũng không là một hội ái hữu đồng hương có cùng một miền đất chung “chôn nhau cắt rốn”. Lại càng không phải là của một tổ chức chính trị hay một phe nhóm nào. Thế thì chất keo nào đã kết dính được anh em cựu học sinh Chu Văn An đến như vậy?

Ngẫm lại thì thấy, ngôi trường Chu Văn An từ Bắc trước năm 1954 cho đến sau đó ở trong Nam, đã có một lịch sử về sự đấu tranh và lòng yêu nước. Trường Bưởi hậu thân của trung học Lycée du Protecterat do thực dân Pháp dựng nên để đào tạo ra tầng lớp điều hành (leadership) nền cai trị của thực dân Pháp khi Pháp còn đô hộ Việt Nam. Nhưng vì được học hỏi về những danh nhân nước Pháp từng tranh đấu cho tự do công bình bác ái (Liberté, Fraternité et Légalité) của những tư tưởng gia Montesquieu, Jean Jacque Rosseau... và cuộc Cách Mạng Pháp 1789 nên những học sinh trường Bưởi đã nhiều lần đình công bãi khóa để phản đối chính quyền thực dân Pháp hay tranh đấu đòi hỏi tự do công bình cho người dân Việt. Ðến năm 1955, khi trường đổi vào trong nam thì học sinh Chu Văn An đã lại đứng lên phản đối Cộng Sản đã cùng thực dân Pháp chia cắt đất nước. Phái đoàn Cộng Sản do Tướng Văn Tiến Dũng cầm đầu núp sau Ủy Hội Quốc Tế đình chiến vào thăm Saigon đã phải leo lên trực thăng của ủy hội mà thoát chạy. Hai khách sạn Majestic và Galliénie Trần Hưng Ðạo chứa chấp phái đoàn Cộng Sản và ủy hội đã bị học sinh Chu Văn An đốt cháy.

Tinh thần Chu Văn An cũng trải dài qua những khóa học mà kết quả đã cống hiến cho miền Nam biết bao nhân tài, những cấp lãnh đạo chỉ huy nhiệt tình hữu ích cả trong hành chánh lẫn quân sự. Như Lê Văn Kim, tổng cục trưởng Tổng Cục Tiếp Tế, Nguyễn Huy Hân tổng trưởng tài chánh thời Ðệ II Cộng Hòa, Nguyễn Mạnh Hùng giáo sư Ðại Học Hoa Kỳ, Duy Trác danh ca miền Nam, Nguyễn Tiến Giám Ðốc nguyên tử lực cuộc ở Ðà Lạt, Nguyễn Ðộ, Giám Ðốc điện lực Saigon v.v... Ra đến hải ngoại, Chu Văn An vẫn là “ngọn cờ đầu” bước vào dòng sinh hoạt chính Hoa Kỳ như Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, Luật Sư Ðỗ Hiếu Liêm, Luật Sư Charles Mạnh v.v...

Tinh thần Chu Văn An cũng ẩn hiện rõ nét trong tính tình của người học trò Chu Văn An. Ðó là lòng cương trực, “uy vũ bất năng khuất” được thừa hưởng từ vị Ðại Thần Chu Văn An dám dâng sớ “Thất Trảm” trừ bọn gian thần buôn dân bán nước để giữ vững kỷ cương dù biết bọn gian thần ấy đang được lòng nhà vua và đang lũng đoạn triều chính. Tinh thần ấy đã khiến người học sinh CVA khi ra làm việc trong hành chánh cũng như trong quân đội, đã là những công chức cán bộ hay người lính trung trực, giữ được phẩm giá của giới sĩ phu Việt Nam.

Vào trưa hôm Chủ Nhật 23 Tháng Hai vừa qua, tại nhà hàng Paracel Seafood, anh em cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An lại có cuộc họp mặt mừng Xuân mới. Trong dịp này, tân Hội Trưởng Nguyễn Mạnh Hiền B sau khi gửi lời chào mừng đến các giáo sư hiện diện, đã nêu ra 7 chương trình mà tân ban chấp hành phải thực hiện cho bằng được. Ðó là, một, nâng cao gìn giữ tinh thần CVA; hai, cập nhật danh sách thầy cô và tin tức cùng hiện trạng của các vị; ba, thiết lập giải Khuyến Học cho con em; bốn, thành lập chương trình hậu sự cho đồng môn; sáu, tổ chức các cuộc họp mặt, hội ngộ để tạo cơ hội cho nhau nối kết tình thầy trò, đồng môn đồng khóa; bẩy, phát hành Ðặc San Bưởi-Chu Văn An.Năm nay hội cũng ra mắt trong dịp này Ðặc San CVA với chủ đề là “Mùa Xuân Nhớ Thầy, Nhớ Bạn”. Nội dung đặc san năm nay khá phong phú và có hồn dân tộc với những tranh gà, lợn, chuột vinh quy, ngày xuân hái dừa, bịt mắt bắt dê...

Có tham dự những cuộc họp mặt của anh em cựu học sinh CVA, mới thấy là quả có một cái tình nghĩa xin được gọi là “Tình Nghĩa CVA”. Tình nghĩa ấy đã làm cho những cựu học sinh CVA, dù sau này đã là ông nọ bà kia, nhưng vẫn muốn nhắc mình là một CVA. (N.H.)

Friday 22 February 2008

Câu Chuyện Đầu Xuân Mậu-Tý


Ừ nhỉ, nàng xuân mới đến rồi
68 B2 ngồi nhậu chơi
Hân, Chước lơ phơ đầu hết tóc
Nhân, Tư mới nhuộm tóc tơi bời.

Gẫu chuyện vừa thăm chàng Sơn “béo”
Tuổi đời chồng chất tóc như vôi
Ngẫm lại chúng ta cũng chẳng khác
Công danh sự nghiệp sắp buông trôi

Thế còn bác Thông thì sao bác
Bác hỏi một câu khó trả lời
Nói vậy Úc Châu mùa hè nóng
Thông đi cắm trại vẫn “chát” chơi.

Thế còn bác "gàn" giờ sao bác
Lại nữa, hỏi câu khó trả lời
Bảo trọng, giữ hồn của bác Thọ
Bác Tư biết hết im lặng thôi.

Thế còn bác "mập" thì sao bác
Vớ vẩn, hỏi câu khó trả lời
Hàng ngày chính “mập” điện thoại bác
Làm sao Hân lại hỏi tới tôi.

Bác Khôi tỉnh lại phải không bác
Con cò lểnh khểnh bác Khôi tôi
Vài hàng gửi bác Khôi cò ấy
Hàng ngày tin bác thấy vui vui.

Bác Tuệ dạo này “phone” bác không
Lâu lâu có Nghị thì có phone
Chắc rằng hơi bận khi đang mổ
Phone đi phone lại, cắt nhầm “hole”

Chước hỏi, Đạt Thành giờ sao bác
Vớ vẩn, tại sao lại hỏi tôi
Thế bác đọc chưa thơ mới dịch
Hai ngài quá bận đấy bác ơi.

B 2 đầu xuân nâng chén rượu
Bốn đứa ngồi đây gẫu chuyện chơi
Mai nữa rồi như bác Mậu-Lúi
Ngày ngày ngồi ngắm đếm tuyết rơi

Nguyễn Văn Nhân

Wednesday 20 February 2008

Thịnh Ghé Orange County - California

Hình chụp tại nhà Hồng hôm thứ Hai 18 tháng 2, 2008. Từ trái qua phải:
Hà Ngọc Lâm (B1) - Nguyễn Thượng Khiết (B4) - Nguyễn Đình Phúc (B1) -Trịnh Ngọc Hồng (B1) - Ngô Đức Thịnh (B1) - Bùi Phạm Thành (B2)


Vũ Quang Huân (B2) - Hồng - Thịnh
đứng trước phòng mạch của Huân

Lâm - Huân - Thịnh

Tuesday 19 February 2008

Sơn Béo

Nguyễn Nam Sơn (Virginia, USA 13 tháng 2, 2008)

Sunday 17 February 2008

Quanh Đây

Đã khá lâu, từ dạo tháng 7 năm 2002, có một bạn gửi cho tôi xem bài thơ Around The Corner của Henson Towne. Bài thơ thật hay khiến tôi ngẫu hứng dịch bài ấy sang tiếng Việt.

Gần sáu năm trời đã trôi qua. Hôm nay bỗng dưng nhớ lại bài thơ, lục tìm trong máy thì vẫn còn đây. Nếu là chuyện ngày xưa thì có lẽ bài thơ chép trên trang giấy đã úa vàng, nhưng bài thơ này vẫn còn nguyên nét chữ và bạn bè quanh phố vẫn còn thỉnh thoảng gặp nhau.

Bốn mươi năm, nét thời gian đã in hằn trên nét mặt mọi người, nhưng dáng xưa vẫn còn đó, giọng nói, tiếng cười vẫn không mấy đổi thay, nhìn mặt vẫn còn nhớ tên được nhiều người ...

Tuy bài thơ đã được đăng ở những nơi khác, nhưng hôm nay, chép lại bài thơ này đăng lên trang nhà của CVA68B2 như để ghi lại những kỷ niệm đẹp của những năm tháng đã qua.

Around The Corner
by Henson Towne

Around the corner I have a friend,
In this great city that has no end.
Yet days go by and weeks rush on,
And before I know it, a year is gone.

And I never see my old friend's face;
For life is a swift and terrible race.
He knows I like him just as well
As in the days when I rang his bell.

And he rang mine. We were younger then,
And now we are busy, tired men.
Tired with playing a foolish game,
Tired with trying to make a name.

"Tomorrow," I say, "I will call on Jim,
Just to show that I'm thinking of him."
But tomorrow comes-and tomorrow goes;
And the distance between us grows and grows.

Around the corner! Yet miles away...
"Here's a telegram, sir."
"Jim died today."
And that's what we get - and deserve in the end.
Around the corner, a vanished friend.


Quanh Ðây
Bùi Phạm Thành

Quanh đây ta có bạn hiền,
Cùng chung một phố nhưng biền biệt xa.
Từng ngày lặng lẽ trôi qua,
Quanh đi quẩn lại thế là một năm.

Lâu rồi cũng chẳng ghé thăm,
Bù đầu trong việc làm ăn mỗi ngày.
Dẫu rằng tình bạn còn đây,
Nhưng không có được những ngày gặp nhau.

Nhớ xưa khi tóc xanh màu,
Gọi nhau thăm hỏi những câu thân tình.
Bây giờ mỏi mệt thân mình,
Nhọc nhằn theo đuổi bóng hình lợi danh .

“Ngày mai tôi sẽ gọi anh,
Hỏi thăm bạn cũ chút tình đồng môn.”
“Ngày mai” rồi cũng qua luôn,
Và rồi như thể dặm trường cách xa.

Hôm nao thư gửi đến nhà,
Mới hay bạn đã lià xa cõi đời.
Thương thay thân phận con người,
Quanh đây chợt vắng bóng người bạn xưa.

7/11/2002

Friday 15 February 2008

Tình Bằng Hữu-Bạn Già - Nguyễn Ý Ðức - TVVN

Tác giả: Nguyễn Ý Ðức

Tình Bằng Hữu-Bạn Già


"Có bạn tốt, tốt cho sức khỏe"- Irvin Sarason

Tục ngữ Mỹ có câu nói: "Tiếp tục kiếm thêm bạn mới nhưng hãy duy trì bằng hữu cũ, vì bạn mới là bạc mà bạn cũ lại là vàng".

Cụ Nguyễn Ðình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với:

"Trong đời mấy bậc cố tri,
Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm"


Nhà thơ Lê Đại Thanh viết:

"Bạn là một nửa bản thân tôi
Nửa da thịt, nửa trái tim, khối óc"


Còn sau đây là diễn tả tình bạn trong Nhị Ðộ Mai:

"Nghĩa bằng hữu bậc trung trinh,
Thấy hoa mai bỗng động tình xót xa"


Nhiều vị tuổi cao cũng có ý nghĩ rằng khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.

Vậy thì bạn hữu là gì?

Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người thường thì không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống.

Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau.

Họ thân với nhau để chia xẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau.

Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một gắn bó của sự thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.

Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong công việc hàng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn, kết nối khác nữa để chuyển sang tình bằng hữu.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dung chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ông bà chủ lấy lòng nhân viên, sai bạn ơi làm hộ tôi cái này, cái kia sao mà ngọt như mía lùi. Ðể rồi sa thải nhau cũng mau như cắt.

Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm.

- Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần đến ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp, nếu không có thể quên đi dễ dàng. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn. Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc mấy.

- Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì có gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân. Nên họ buồn tiếc khi mất. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.

- Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.

Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác.

Khi đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau.

Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều.

Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không bền và rất giới hạn.

Đặc điểm của bằng hữu.

Khác với tình anh em, vợ chồng, bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên hiểu ngầm thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng tràn đầy thiện tâm, thiện ý.

Vì tự nguyện, có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt.

Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó. Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Tác giả người Pháp J Delille đã nói: "Cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn ".
Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn rất đẹp nẩy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo.

Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư, tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt chủ -nô hoặc khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.

Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn.

Vì khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.

Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần thành thật với nhau, không mầu mè, che đậy.

Để có bằng hữu

Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.

Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia xẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.

Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giáo. Nó nẩy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn.

Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.

Bằng hữu nẩy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm.

Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã dành cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đoán là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nẩy nở sau này.

Sự bá vai, chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta thường nói: "Thấy sang bắt quàng làm họ".

Đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.

Một vấn đề tế nhị là sự xét đoán và chấp nhận trong tình bạn: Nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ.

Bạn Già

Giống như khi mới mở mắt chào đời và trong thời kỳ thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác, nhất là sau khi đã có nhiều mất mát. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.

Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không đáp ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau từ thuở xa xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn qua lại. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như khi còn để chỏm, mấy chục năm về trước.

Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.

Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến cho tình bạn gặp trở ngại.

Kém sức khỏe đưa đến không cùng nhau sinh hoạt.

Quá phụ thuộc vào bạn trong các công việc hàng ngày thì đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần.

Lại còn người già giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm đều dễ dàng rơi vào cảnh cô lập.

Cũng nhiều người già không có thì giờ dành cho bạn bè vì bận rộn chăm sóc cho sức khỏe của mình hoặc để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, có trường hợp khi dư giả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại thưa vắng qua lại. Như tình huống của Nguyễn Hữu Chỉnh:

"Ðã hẳn ai là mặt cố tri;
Giầu sang tìm đến, khó tìm đi"


Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian đơn côi, góa bụa.

Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy lẻ bóng nhiều hơn vì đã mất người bạn đầu gối tay ấp cả dăm ba chục năm.

Bình thường quý lão bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bạn hiền ra đi, thì cụ bà thấy quan hệ với bằng hữu cũ của vợ chồng giảm dần. Cũng may là các bà dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cách tham dự vào nhiều sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo. Đa số bạn của cụ bà khi đó là cô quả cùng cảnh ngộ, chỉ có một số nhỏ có gia đình.

Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi ở góa sẽ có nguy cơ cô đơn. Nhất là khi chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.
Kết luận

Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế cái khoảng trống tình cảm đó.

Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết:

"Cái chết của người bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ".

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức

Texas- Hoa Kỳ

Thursday 14 February 2008

Happy Valentine


Nhân ngày lễ Valentine's Day, mời quý bạn nghe nhạc phẩm Em và Anh do Bùi Phạm Thành hát với tiếng đàn của bà xã Mỹ-Hương.


Bấm nút "play" để nghe



Nghe nhạc BPT & MH ở Cali Phố Nhỏ